Xuất khẩu nông lâm sản đạt mức cao
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tác động của xung đột Nga – Ucraina làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng giá vật tư đầu vào,… tuy nhiên, với sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp cùng bà con nông dân trên cả nước, ngành NN&PTNT vẫn đạt được những kết quả cao, toàn diện, đạt được “mục tiêu kép”: tăng trưởng GDP cao, trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt ở mức cao so với cùng kỳ.
Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông).
Bộ NN&PTNT cũng đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang Newzealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Hoa Kỳ. Hướng dẫn thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Với những nỗ lực của toàn ngành NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%…
Đặc biệt, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 01 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất); trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm khoảng 66,8%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.
Phấn đấu cả năm 2022 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD
Năm 2022, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ còn lại của ngành từ nay đến hết năm 2022 là rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai khó lường.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao như sau: nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
Theo đó, Bộ tiếp tục phát triển mạnh thị trường xuất khẩu: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.
Tích cực triển khai chủ động, có hiệu quả các Hiệp định thương mại FTAs với các nước, khu vực trên thế giới; Hiệp định CPTPP, EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước tới địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng: như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa…), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu)…
Phối hợp với các Đại sứ quán thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định nước sở tại cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; đồng thời hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Theo VietQ.vn