Ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Ngày 10/5/2022, Đội đã thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa tại 2 kho hàng kinh doanh tập kết số lượng lớn đồ chơi bạo lực ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
“Người bán sử dụng mạng xã hội bán hàng, tập kết ở ngoại thành để cung cấp đến các cửa hàng, không bán công khai”- ông Hoàng Đại Nghĩa cho hay.
Vì trực tiếp ảnh hướng đến sức khỏe nên theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Nhưng lô đồ chơi ở đây là lô hàng 3 không theo đúng nghĩa: không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ. Điều nguy hiểm hơn, những món đồ chơi này nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng đồ chơi là bà Nguyễn Thị Mơ cho biết: “Bọn em không biết đây là hàng vi phạm, chỉ lấy một ít về bán thôi”.
Khi làm việc với lực lượng Quản lý Thị trường, người kinh doanh hồn nhiên cho rằng những mặt hàng ở đây chỉ giống như đồ chơi thông thường nhưng thực chất đây là mặt hàng cấm kinh doanh tiêu thụ dưới mọi hình thức. Vì khi tiêu thụ những măt hàng bạo lực sẽ tạo thói quen và xu hướng thích bạo lực cho trẻ em. Đây là điều rất nguy hiểm, gây tiền lệ xấu về sau này.
Chủ cửa hàng cũng khai nhận, một khẩu súng nhựa được nhập về chỉ với giá trên dưới 10.000 đồng. Khi đến tay người mua, giá đã được thổi lên khoảng hơn 100.000 đồng. Vì lợi nhuận gấp cả chục lần nên chủ hàng sẵn sàng nhập về kho với số lượng lớn để bán ra thị trường.
Ông Hoàng Đại Nghĩa cho hay: “Phải ngăn chặn tận gốc chứ không thể “thả gà ra đuổi”. Thời gian tới, lực lượng Quản lý Thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục ra quân để kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng mang tính bạo lực, nguy hiểm tương tự”.
Hiện, cơ quan Quản lý Thị trường đang hoàn tất hồ sơ để đưa lô đồ chơi bạo lực đi tiêu hủy. Ngoài việc bị tịch thu toàn bộ hàng hóa, chủ hàng còn bị xử phạt hành chính ở mức độ cao nhất theo quy định để răn đe các trường hợp khác, không tái diễn hành vi tương tự.
QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em quy định chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg. Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này. QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện. Việc ghi nhãn đồ chơi trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Các quy định về cảnh báo nêu trong tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Đồ chơi trẻ em phải được công bố hợp quy phù hợp quy định của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Đồ chơi trẻ em trước khi lưu thông trên thị trường phải gắn dấu hợp quy. |
Theo VietQ.vn
Hà Nội thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa (vietq.vn)