Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển logistics

Cơ hội giao thương - Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực logistics nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp.

Ngành logistics tăng trưởng 14-16%/năm

Tại buổi tọa đàm Chính sách trong lĩnh vực logistics ngày 14/4/2022, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp.

Một số địa phương như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Tiền Giang, Quảng Ninh,… đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng.

Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân. 

Theo nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% – 16% trong một năm.

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, hiện nay các trung tâm logistics theo kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các chính sách như Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics.

Hiện nay các giải pháp thúc đầy ngành logistics cũng đang được thực hiện như phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics,…- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian qua, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%.

Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng tới trên 30.000 doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%), tiếp đó là doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là doanh nghiệp vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%)- ông Trần Thanh Hải cho hay.

Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics

Ngành logistics ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đang được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục hồi, tăng trưởng trở lại. Ngành logistics ở Việt Nam hiện nay được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ.

Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics trong bối cảnh hiện cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, hiện nay, Hàn Quốc đang ở vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn lũy kế đến năm 2021 là 74,7 tỉ USD. Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: Dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến,… tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu.

Buổi Tọa đàm đối thoại chính sách trong lĩnh vực Logistics là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội chợ Vietnam Expo 2022, với mục tiêu tạo ra kênh đối thoại về chính sách, chiến lược và định hướng phát triển ngành của Chính phủ và chính sách quy định của Việt Nam cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực Logistics, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp.

“Với vai trò là các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực logistics trong thời gian tới” – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cam kết.

Theo VietQ.vn

Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển logistics (vietq.vn)

(Visited 22 times, 1 visits today)