Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục tích cực

Cơ hội giao thương - Theo Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục có dấu hiệu tích cực trên cả ba khu vực
 
Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho biết, trong tháng 1 vừa qua, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển tốt.
 
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, nhờ động lực từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. So với cùng kỳ năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2019 ước tính tăng 7,9%. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung;  ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,8%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,7%, làm giảm 1 điểm phần trăm mức tăng chung.
 
Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định. Do vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán nên các hoạt động bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống sôi động do xu hướng gia tăng mua sắm và du lịch.
 
Trong khi đó, trong tháng đầu tiên của năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 40,4 tỷ USD, tăng 0,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,72 tỷ USD so với tháng 12/2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đạt tương ứng là 20 tỷ USD và 20,8 tỷ USD. Như vậy, tính trong tháng 1, cán cân thương mại hàng hoá nhập nhập siêu khoảng 0,8 tỷ USD.
 
Tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, do nhiều yếu tố thuận lợi . Ảnh minh họa
Tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, do nhiều yếu tố thuận lợi . Ảnh minh họa
Đối với xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD (chiếm hơn 32%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,58 tỷ USD (chiếm gần 68%). 
 
Về thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch đạt 4 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đối với hàng hóa nhập khẩu, trong tháng 1/2019, Việt Nam ước nhập khoảng 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018 và 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng là Trung Quốc với kim ngạch ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Dự báo tình hình kinh tế xã hội trong thời gian tới
 
Cũng theo Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc Gia, trong tháng 1 vừa qua, lãi suất có xu hướng tăng, một phần do nhu cầu giao dịch tăng cao, một phần do áp lực tăng lãi suất gia tăng từ cuối năm 2018.
 
Tuy nhiên, trong 3 tuần đầu tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước với việc bơm ròng tiền ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở (tuần 1/tháng 1 bơm ròng khoản g 17.2013 tỷ đồng, tuần 2/tháng 01 bơm ròng khoảng 4.962 tỷ đồng) cùng với xu hướng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần nên nhìn chung trong tháng 1/2019 lãi suất trên thị trường không biến động mạnh.
 
Về tỷ giá, mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu ngoại tệ tăng cao nhưng tỷ giá USD/VND tháng 01/2019 là tương đối ổn định. “Có được kết quả này là do tỷ giá đã được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố nền tảng của năm 2018 vừa qua gồm thặng dư cán cân thương mại lớn, giải ngân FDI đạt khá, kiều hối và đầu tư gián tiếp ở mức cao”, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc Gia cho hay.
 
Đưa ra dự báo tình hình kinh tế xã hội trong thời gian tới, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc Gia cũng cho hay, tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Thị trường lao động ngày càng trở nên năng động hơn, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc khi Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác có hiệu lực.
 
Đặc biệt, một số doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
 
Bên cạnh những yếu tố trên, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc Gia cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư.
 
Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị. Xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại, và gián tiếp tác động tới tăng trưởng việc làm mới. Giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2019.
 
Xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, tình hình thu ngân sách 15 ngày đầu tháng 1 năm 2019 vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt đối với các khoản thu từ doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
 
Những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước vẫn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thu ngân sách năm 2019.
 
Theo đó, doanh nghiệp ngừng hoạt động có thể tăng cao do sức ép cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường và điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu trong khuôn khổ CPTPP, sẽ làm giảm bớt nhu cầu việc làm. Thêm vào đó nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ. 
 
Theo VnMedia
 
(Visited 22 times, 1 visits today)