Ngành thủy sản tiếp tục đổi mới, khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế biển

Cơ hội giao thương - Kiên định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, ngành Thủy sản cần tiếp tục đổi mới để khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế biển, gắn với tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo; thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết quốc tế.

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đối với ngành Thủy sản nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống của ngành (01/4/1959-01/4/2022).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, qua 63 năm xây dựng và phát triển, ngành Thủy sản đã có bước phát triển to lớn, tăng trưởng vượt bậc về nuôi trồng, khai thác, chế biến, mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế. Năm 2021, tổng sản lượng thủy, hải sản đạt 8,73 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 20% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, đóng góp chung vào những kỳ tích của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân: ngoài đóng góp về kinh tế xã hội, ngành Thủy sản còn có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc 

Bên cạnh việc tăng trưởng theo hướng bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thiết chế quản lý nhà nước về thủy sản ngày càng được hoàn thiện cả về pháp luật, cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh, đầu tư phát triển.

Nhắc lại lời Bác Hồ đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” khi Người về thăm bà con ngư dân làng cá tại Quảng Ninh và Hải Phòng những ngày đầu tháng 4 năm 1959, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, kiên định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, ngành Thủy sản cần tiếp tục đổi mới để khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế biển, gắn với tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để hiện thực hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ngành Thủy sản cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển Ngành Thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời tổ chức thi hành hiệu lực, hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, để sớm gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ tin tưởng, với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành, các đồng chí, đồng nghiệp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng sống cho bà con nông, ngư dân và phát triển đất nước.

Khẳng định để có được vị thế vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực cố gắng bền bỉ của các thế hệ cán bộ nhân viên, ngư dân, người lao động, doanh nghiệp trong ngành Thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, ngoài những đóng góp về kinh tế – xã hội, ngành Thủy sản còn có vai trò hết sức ý nghĩa và quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải qua chặng đường phát triển 63 năm, đến nay, ngành Thủy sản đã hình thành được đội ngũ doanh nghiệp hàng đầu quốc tế với công nghệ chế biến ngày càng hiện đại với các vùng nguyên liệu quy mô tập trung; là một trong những ngành được đánh giá có mức độ hội nhập kinh tế quốc tế rất sớm và sâu rộng nhất hiện nay, ngày càng khẳng định vị thế to lớn trên bản đồ xuất khẩu thủy sản của thế giới. Trong đó, điển hình như lĩnh vực xuất khẩu cá tra, tôm… luôn đứng Top đầu của thế giới.

Ngành Thủy sản đã hình thành được đội ngũ doanh nghiệp hàng đầu quốc tế với công nghệ chế biến ngày càng hiện đại  

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã phát động phong trào tổ chức các hoạt động kỷ niệm, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên; Ưu tiên thả tái tạo nguồn lợi các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, đặc hữu.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tới mọi tầng lớp nhân dân; vận động người dân khai thác thủy sản có trách nhiệm, đúng quy định; không khai thác, đánh bắt các loài thủy sản ngay sau thời điểm thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về thủy sản, đặc biệt là khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm sử dụng, khai thác, vận chuyển buôn bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội ngành thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa công tác này.

Đối với 28 tỉnh, thành phố ven biển, tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo VietQ.vn

(Visited 11 times, 1 visits today)