Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cơ hội giao thương - Trong 8 tháng năm 2021, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%.

Số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 5,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 1,9%. 

Như vậy, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%. 

Cũng theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1% gồm: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%; Hàng dệt may đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7%; Giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%. 

 

Trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái với nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 1,996 tỷ USD, giảm 11,2%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 231 triệu USD, giảm 33,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,06 tỷ USD, giảm 3,3%. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ. 

Đối với kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản, Bộ Công Thương cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 08/2021 giảm 19,2% so với tháng 7/2021 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 17,87 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Trong nhóm hàng này, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 32,4% so với tháng 7/2021 và giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, nhóm hàng này đã có mức tăng trưởng dương với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng nhẹ 4,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,03% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng này ghi nhận sự tăng trưởng cao ở mặt hàng than đá và xăng dầu các loại với mức tăng lần lượt là 114,2% và 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mặt hàng dầu thô xuất khẩu giảm 14,1% và quặng và khoáng sản khác giảm 10,1%.

Riêng đối với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 3% so với tháng 7/2021 và giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 182,93 tỷ USD, chiếm 86,06% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong nhóm này biến động trái chiều trong tháng 8/2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại đạt cao nhất với 5,9 tỷ USD trong tháng 8/2021, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng 12,6%, đạt 3 tỷ USD; đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại tăng tới 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, nhiều mặt hàng có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12%, hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,9%, giày dép các loại giảm 38,5%…

Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,1 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,6%. Thị trường EU đạt 25,98 tỷ USD, tăng 14,1%. Thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD, tăng 22,4%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,7%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,5%.

Theo VnMedia

(Visited 69 times, 1 visits today)