IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á

Cơ hội giao thương - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế một số nước Đông Nam Á, ngay cả khi tổ chức này tỏ ra lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, IMF dự báo 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng chung 4,9% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 5,2% trước đó.

Ông Jonathan Ostry – Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho biết, nguyên nhân khiến triển vọng kinh tế của một số nước Đông Nam Á giảm là do sự gia tăng của số ca mắc Covid-19 và các nước tuyên bố phong tỏa lần nữa.

Việc hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Nam Á được đưa ra khi IMF nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ 7,3% lên 7,6% cho năm nay. Tổ chức này cũng nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2021 từ 5,5% lên 6%. Các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand sẽ có những khởi sắc.

 

IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng các nền kinh tế lớn khác của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 8,1%. Trong khi Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 12,5%, nhanh hơn so với dự báo 11,5% được đưa ra trước đó. Ngoài ra, IMF cảnh báo sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế châu Á có thể vẫn không đồng đều trong ít nhất là 5 năm tới.

Bên cạnh việc đưa ra những dự báo, Báo cáo của IMF cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách cơ cấu để thúc đẩy năng suất và sản lượng, đồng thời đầu tư xanh để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. 

Để đảm bảo mục tiêu này cần dựa trên 3 điều kiện bắt buộc. Thứ nhất, thương mại phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở châu Á, là nền tảng của phép màu châu Á. Vì vậy, để phát huy hết tiềm năng của châu Á cần phải giảm bớt các hạn chế cản trở thương mại, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tránh xung đột thương mại… Thứ hai, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đứng vững và phục hồi sau đại dịch. Thứ ba, hướng tới một nền kinh tế xanh với việc tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo VnMedia

(Visited 48 times, 1 visits today)