Theo Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12/2020 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục tàn phá y tế toàn cầu và các nền kinh tế mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến cuối tháng 11/2020, có gần 60 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 1,4 triệu ca tử vong do đại dịch gây ra trên toàn cầu. Phần lớn các quốc gia phát triển, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 2, với mức độ thành công khác nhau.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch đã và đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, với dự kiến suy giảm khoảng 4,4% trong năm 2020, trong đó GDP của Mỹ và EU sẽ giảm lần lượt 4,3% và 8,3%. Tỷ lệ nghèo trên toàn cầu lại một lần nữa tăng lên, với khoảng 88 triệu đến 115 triệu người dự kiến sẽ lại rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020, xóa bỏ đi kết quả phát triển trong hàng thập kỷ.
Ngân hàng Thế giới nhận định, kết quả Việt Nam đạt được trái ngược hoàn toàn với những diễn biến y tế và kinh tế ảm đạm thế giới. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới đã thể hiện được năng lực kiểm soát bệnh dịch lây lan, đồng thời duy trì được khả năng chống chịu đáng chú ý của nền kinh tế với cú sốc COVID-19. Trong lĩnh vực y tế, sự chuẩn bị sẵn sàng, cùng với những quyết sách sớm và mạnh dạn ngay từ khi đại dịch bùng phát vào cuối tháng 1, kết hợp với các biện pháp khoanh vùng và xét nghiệm hiệu quả, đã giúp Việt Nam không những dập tắt sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng mà còn duy trì số ca mắc và tử vong ở mức rất thấp.
Đợt cách ly toàn xã hội vào tháng 4 đã có những ảnh hưởng kinh tế-xã hội ngay tức thì, nhưng nền kinh tế đã hồi phục. Tăng trưởng trong quý hai sụt giảm còn 0,4% nhưng việc từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại đã giúp nền kinh tế sớm được phục hồi. Xuất khẩu cũng thể hiện kết quả vững chắc ngoài kỳ vọng.
“Trong chín tháng đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng 2,1% và dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% cho cả năm, giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2020”, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới. Sau khi bị giảm sâu trong quý hai, khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,4% (so cùng kỳ năm trước), tốc độ tăng trưởng đã quay lại mức ổn định 2,6% (so vùng kỳ năm trước) trong quý ba và nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 2,8% cho cả năm. Tuy mức tăng trưởng vẫn thấp hơn khoảng 4,2% so với quy đạo lịch sử mà Việt Nam đạt được trước khủng hoảng COVID-19, nhưng lại khá cao so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á.
Có lẽ kết quả ấn tượng nhất là xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù kết quả trên vẫn thấp hơn so với kết quả mà Việt Nam ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng lại đạt được trong bối cảnh dòng lưu chuyển thương mại toàn cầu dự kiến giảm khoảng 10%, theo ước tính mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nói cách khác, Việt Nam đã và đang có khả năng tăng thị phần thương mại toàn cầu trong khi các nước khác đang gặp khó khăn. Diễn biến tích cực trên có được một phần nhờ khả năng kiểm soát tốt khủng hoảng y tế. Nhờ mở lại các nhà máy sớm hơn so với các quốc gia khác, Việt Nam khuyến khích các nhà xuất khẩu dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Pa-kít-xtan.
Ngân hàng Thế giới nhận định, kết quả tổng thể về xuất khẩu Việt Nam có được là nhờ vào kim ngạch thương mại theo đối tác có sự khác biệt đáng kể trong 10 tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh tiếp đà kết quả xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam, và phần nào do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, dẫn đến hiện tượng chuyển hướng thương mại mà Việt Nam đang được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giá trị thấp (dệt may, giày da) và sản phẩm nông nghiệp giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo giá trị cao hơn (máy tính và hàng điện tử) lại tăng vững chắc trong khủng hoảng COVID-19.
Cuối cùng, tuy các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu cao hơn khoảng gấp đôi so với các doanh nghiệp trong nước, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng lần này, các doanh nghiệp trong nước tỏ ra năng động hơn, qua đó cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn với cú sốc. Khả năng chống chịu đó bắt nguồn từ kết nối cung ứng nội địa của các doanh nghiệp trong nước, cho phép họ linh hoạt hơn trong tìm kiếm nguồn đầu vào từ thị trường nội địa, trong khi các doanh nghiệp FDI phải dựa nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào mạnh mẽ là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, đồng thời củng cố tài khoản vốn. Trong mười tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút được 23,5 tỷ vốn FDI, tuy thấp hơn 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là thành tựu đáng chú ý khi đặt trong điều kiện tổ chức Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào khu vực Đông Á sẽ giảm từ 30 đến 45% trong năm 2020.
Trong khi vốn đăng ký mới tiếp tục chiếm phần lớn FDI, động lực thu hút hoạt động góp vốn và mua cổ phần, đặc trưng của dòng vốn FDI trong các năm 2018 – 2019, dường như đã yếu đi, chủ yếu do dòng vốn tháo chạy vào nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm khủng hoảng, nhưng cũng do tác động của khủng hoảng đến các mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo VnMedia