3 yếu tố giúp xuất khẩu gỗ đứng chân tại 5 thị trường lớn nhất thế giới

Cơ hội giao thương - Phát biểu tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin, năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín tại thị trường của trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.

Công nghiệp chế biến gỗ phát triển đã tạo ra trên 500.000 việc làm trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Ngành cũng đã gián tiếp tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi tham gia trồng rừng nguyên liệu, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng đánh giá, có được kết quả trên là nhờ 3 yếu tố. Một là, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã chủ động, kịp thời ứng phó, có nhiều giải pháp hay, cách làm mới phù hợp với diễn biến của thị trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Hai là, các doanh nghiệp chế biến lâm sản tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư mở rộng mặt bằng, quy mô, nâng công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; tăng cường quản trị doanh nghiệp, để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ba là, có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, hợp pháp, đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đầu vào quan trọng của chuỗi cung ứng. 

“Việt Nam hiện đã có trên 300.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. Đây là thành quả của công tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao; quyết liệt chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích trồng rừng sản xuất bền vững trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng ghi nhận.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra không ít khó khăn, thách thức trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 12 times, 1 visits today)