Hàng loạt quyết định quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2020

Cơ hội giao thương - Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng; Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng; Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng… là những quyết định quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12 này.

Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng

Từ 01/12/2020, nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh, theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP. Trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí. Cụ thể: Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng: Phạt từ 05 – 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 01 – 03 triệu đồng); Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng: Phạt từ 50 – 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 05 – 10 triệu đồng); Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng: Phạt từ 70 – 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 – 30 triệu đồng).

Theo Nghị định trên, trong cả 03 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 01 – 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 01 – 03 tháng).

 

Ngân hàng sẽ phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Cụ thể, Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

 

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.

Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi mất, cháy, hỏng hóa đơn và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020.

 

Theo Nghị định này, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.

Cùng với đó, phạt từ 03-05 triệu đồng với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Phạt từ 04-08 triệu đồng đối với một trong các hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Phạt từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã khai, đã lập, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 26 Nghị định này.

Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định, có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.

Cụ thể: Phạt từ 1 – 3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 5 – 10 triệu đồng; phạt từ 5 – 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 – dưới 70 triệu đồng; phạt từ 15 – 25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 – dưới 100 triệu đồng; phạt từ 30 – 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định 130 có hiệu lực từ 20/12.

Theo Nghị định này, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Theo VnMedia

(Visited 31 times, 1 visits today)