Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 kỳ vọng ở mức 2%

Cơ hội giao thương - Đến cuối Quý II/2020, nền kinh tế Việt Nam cho thấy khả năng kháng cự tốt với mức tăng trưởng GDP năm 2020 kỳ vọng ở mức 2%, trong khi nhiều nền kinh tế ASEAN khác được dự báo tăng trưởng âm.

Ngân hàng Thế giới đang thực hiện khảo sát đánh giá tác động của COVID-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam, đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khảo sát này tập trung vào các khía cạnh thu nhập hộ gia đình, tình trạng việc làm và tiếp cận trợ giúp từ chính phủ.

Trong đợt khảo sát lần 2, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện phỏng vấn qua điện thoại với gần 4.000 hộ gia đình trên toàn quốc từ ngày 27/7 đến 12/8/2020 – thời điểm bắt đầu làn sóng COVID-19 thứ 2. 

Theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới nhưng có một vài dấu hiệu khả quan hơn tại Việt Nam. Kể từ khi công bố dịch hồi tháng hai, chính phủ đã thi hành nhiều chính sách hiệu quả và hành động sớm để giảm thiểu tác động của đại dịch. Đến nay Việt Nam đã thành công trong việc duy trì số ca lây nhiễm và tử vong ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác.

 

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội lần đầu vào ngày 01/04 trên phạm vi cả nước và kéo dài trong 15 ngày. Một số tỉnh thành kéo dài thời hạn cách ly hơn 15 ngày, sau đó chuyển sang các biện pháp giãn cách xã hội. Tới giữa tháng 5, các biện pháp giãn cách xã hội đã được tạm dừng. Đến cuối Quý II, nền kinh tế Việt Nam cho thấy khả năng kháng cự tốt với mức tăng trưởng GDP năm 2020 kỳ vọng ở mức 2%, trong khi nhiều nền kinh tế ASEAN khác được dự báo tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, đợt bùng phát thứ hai ở Đà Nẵng đã làm gia tăng tính bất định về khoảng thời gian kéo dài của đại dịch. Trong thời gian đại dịch vẫn còn tiếp diễn, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ chịu nhiều sức ép, trong khi không biết các đợt bùng phát tiếp theo sẽ diễn ra khi nào. Mặc dù Việt Nam đã chống dịch tốt trong giai đoạn đầu nhưng còn nhiều bất định về những tác động dài hạn và việc Việt Nam sẽ hồi phục như thế nào sau đại dịch.

Do đó, Ngân hàng Thế giới cho rằng, điều quan trọng là cần tiếp tục thực hiện giám sát và đánh giá tình hình có nhiều biến động này nhằm hỗ trợ ra các quyết định chính sách hiệu quả hơn về cách thức giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Theo VnMedia

(Visited 39 times, 1 visits today)