Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao

Cơ hội giao thương - Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12 - 14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP .

Đây là đánh giá được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 diễn ra sáng ngày 26/11/2020 tại Hà Nội.

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động logistics trên toàn cầu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 01/2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Cho đến tháng 7 vừa qua, làn sóng Covid-19 lần thứ hai lần lượt xuất hiện ở nhiều quốc gia lớn với diễn biến phức tạp, lây nhiễm rất nhanh trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn. Suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng với mức độ lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng và suy thoái trước đây, được đánh giá là lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1932.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào bởi được chuyển giao công nghệ và nhập khẩu các yếu tố đầu vào rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi. 

Năm 2020, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,… phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm.

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020

Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 ước đạt 439,8 tỷ USD đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019. 

Bên cạnh những yếu tố tác động tích cực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh; việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước thành viên trong Hiệp định vào Việt Nam gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Nguy cơ này đặc biệt phải chú trọng quan tâm đối với nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập kinh tế là nông dân và nông thôn.

Chỉ số năng lực hoạt động logistics Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong ASEAN

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, được phát triển từ những năm 1990, tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, Logistics đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. 

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống chính sách, pháp luật về logistics ngày càng được hoàn thiện; Kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả. 

Phó Thủ tướng đánh giá, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP .

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá, hiện ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục hiệu quả như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung…

Trong cuộc khảo sát LPI năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, nhiều doanh nghiệp cho biết Việt Nam có mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ví dụ, 80% người trả lời khảo sát nói rằng Việt Nam có mức phí vận tải đường bộ cao hoặc rất cao so với mức trung bình của khu vực là 40%. Tương tự, 40% người trả lời khảo sát cho biết Việt Nam có phí cảng và sân bay cao hoặc rất cao so với mức trung bình khu vực là 30-35%. Chi phí vận tải đường bộ đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ giữa Bắc và Nam.

Theo VnMedia

(Visited 66 times, 1 visits today)