Trả lời chất vấn của các ĐBQH về bài toán cân đối ngân sách, rằng nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170 nghìn tỷ so với năm 2020, Thủ tướng cho biết, ông rất thấm thía với câu hỏi này.
“Vậy, bằng cách nào để có thể giữ được các cân đối lớn, đảm bảo nguồn thu mà dự toán Quốc hội đã nêu?” – Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, “cứ 1% GDP giải quyết trên 300.000 việc làm và giải quyết việc tăng thu ngân sách”, do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải phải tăng cường đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để vượt 6% GDP.
Dẫn chứng Quảng Ninh đã tăng thu ngân sách so với dự toán 1.000 tỷ, có nhiều sản phẩm xuất khẩu bằng công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải học tập những mô hình, tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa với khả năng của chúng ta.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Giải pháp thứ hai, theo Thủ tướng, là tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA, phát huy hiệu quả đầu tư để giải quyết việc làm. “Hạ tầng mà tốt thì thu hút đầu tư tốt, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình chúng ta đã đưa ra báo cáo Quốc hội, trong đó có việc Bộ GTVT cam kết những việc như sẽ khởi công 1 hạng mục của sân bay Long Thành và phải cố gắng cho được như Bộ trưởng GTVT đã phát biểu, đó là đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đưa vào hoạt động sau nhiều năm chậm trễ do nhiều nguyên nhân” – Thủ tướng nêu rõ.
Thứ ba, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.
Thứ tư, theo Thủ tướng, là phải thực sự tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết, như họp hành, đi nước ngoài, những việc không cần thiết trong lúc đất nước và thế giới khó khăn.
“Đặc biệt, tất cả các cấp, các ngành phải bám sát dự toán, thu chi ngân sách. Chúng ta vẫn cương quyết đảm bảo tỷ lệ bội chi ngân sách năm nay Quốc hội giao không quá 4%, tương đương với 5% nếu tính GDP cũ. Khi cần thiết chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng chính sách tài khóa phù hợp, đồng thời yêu cầu giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, phải giữ vững các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô” – Thủ tướng nêu rõ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các nước bị COVID đều có thể bổ sung vào danh sách tài khóa đến 10% GDP, nếu nước ta có GDP là 350 tỷ USD, khi bổ sung vào chính sách tài khóa 10% thì ít nhất là 35 tỷ USD.
“Nhưng trong lúc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta cần kiểm soát tốt, giữ được vĩ mô ổn định. Một nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Chiếc bánh của chúng ta chỉ có thế. Cha ông chúng ta thường hay nói “khéo ăn thì no, mà kéo co thì ấm”, nhiệm kỳ này phải làm được việc này để giữ nền tảng cho thời gian tới, nhất là sau Đại hội Đảng” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chấp nhận rủi ro nhất định để triển khai nhanh gói hỗ trợ 62.000 tỷ
Liên quan đến việc triển khai các gói hỗ trợ trong dịch COVID-19 bị chậm, Thủ tướng cho biết, các gói giảm, giãn, hoãn, miễn thuế, đặc biệt là ngân hàng đã làm rất tốt để hỗ trợ giúp cho kinh doanh. Nhưng hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động thì chưa kịp thời và chưa tốt.
“Chúng tôi cũng thấy rõ vấn đề này và chúng tôi đã có nghị quyết và sẽ thay đổi các Quyết định 15 trên tinh thần là thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh, thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp bị khó khăn, nhất là những chỉ tiêu cụ thể như là chính quyền địa phương xác nhận doanh thu, tình trạng kinh doanh… sẽ bỉ. Ngân hàng chính sách được Chính phủ giao việc này phải chấp nhận một rủi ro nhất định để hỗ trợ gói trong 62.000 tỷ cho người lao động và cho doanh nghiệp. Chúng tôi thấy rõ tồn tại này để mà sửa lại chính sách cho phù hợp hơn. Đây cũng là nguyện vọng rất nhiều doanh nghiệp mà doanh nghiệp và người lao động hiện nay đang là khó khăn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo VnMeddia