Bất chấp Covid-19, xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng

Cơ hội giao thương - Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, với kim ngạch xuất khẩu 09 tháng đầu năm đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và có nhiều rủi ro. Chỉ đến năm 2017, kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi, thương mại toàn cầu bắt đầu có những diễn biến tích cực mặc dù vẫn đối diện với nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ tháng 4 năm 2018 và diễn biến leo thang căng thẳng đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, trong đó Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao cũng chịu nhiều tác động. Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và hiện vẫn chưa được kiểm soát, đã tác động nặng nề đến kinh tế, thương mại toàn cầu.

Cũng theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm kết thúc năm 2019, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015 – 2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Bước sang năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu 09 tháng đầu năm đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với mức 78,9% của năm 2015; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đã đạt được. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 2.740 USD/người, bằng 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2000 USD theo Chiến lược đề ra đã đạt được từ năm 2017.

 

Các thị trường mới trong Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao

Cũng theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Các FTA mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác quan trọng, là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Các thị trường mới trong các nước đối tác thuộc Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả cam kết CPTPP. Xuất khẩu sang Canada năm 2019 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018, sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26,2%. Tính hết 9 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 10,2% so với cùng kỳ (đạt 3,1 tỷ USD) và sang Mexico tăng 7,9% (đạt 2,34 tỷ USD).

Đối với Hiệp định EVFTA, việc triển khai tận dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực cũng có kết quả tích cực. Trong vòng hai tháng kể từ ngày 01 tháng 8 đến hết 30 tháng 9 năm 2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 20.680 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 830 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,… Đây đều là các mặt hàng xuất khẩu mà ta có lợi thế, thể hiện kết quả tận dụng khả quan ngay từ những ngày đầu Hiệp định được đưa vào thực thi.

Liên quan đến hoat động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, Bộ Công Thương cho biết, kể từ năm 2019, xuất khẩu doanh nghiệp trong nước đã tăng mạnh, trong khi khu vực FDI tăng chậm hoặc giảm, nên tỷ trọng giá trị xuất khẩu khu vực FDI đã giảm dần. Trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,1 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, còn chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xét về vai trò, doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng…). Trước năm 2003, dầu thô chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Đến 9 tháng năm 2020, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 1%.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Theo VnMedia

(Visited 27 times, 1 visits today)