Năm 2020: Dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở mức 3-5%

Cơ hội giao thương - Mặc dù là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP nhưng việc xuất khẩu vẫn tăng trưởng 0,2% trong 7 tháng đầu năm là diễn biến rất đáng khích lệ đối với Việt Nam, đặt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều có xuất khẩu suy giảm từ 20 - 40%. Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cho cả năm 2020 sẽ ở mức 3 - 5%.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là đáng khích lệ

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt 25,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, giảm 12,1%…

Ảnh minh họa

Theo Báo cáo Vĩ mô tháng 7/2020 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, trong 7 tháng đầu năm, thị trường Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng 15%. Điểm bất ngờ là Trung Quốc đã trở thành thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm (+18,4%). Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 6%; ASEAN giảm 15,4%; Nhật Bản giảm 5%; Hàn Quốc giảm 0,4%.

Cũng theo Báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, mặc dù là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP nhưng việc xuất khẩu vẫn tăng trưởng 0,2% trong 7 tháng đầu năm là diễn biến rất đáng khích lệ đối với Việt Nam, đặt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều có xuất khẩu suy giảm từ 20 – 40%. 

“Với việc các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU đã và đang dần mở cửa lại nền kinh tế, kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dần cải thiện hơn trong hai quý cuối năm. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cho cả năm 2020 sẽ ở mức 3 – 5%”, báo cáo của BVSC dự báo.

CPI trung bình cho cả năm 2020 sẽ dao động quanh mức 3,5%

Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), báo cáo của BVSC cũng cho biết, chỉ số CPI tháng 07/2020 tăng 0,4% so với tháng 6 và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số CPI tăng so với tháng liền trước.

Có 9/11 nhóm hàng tăng giá trong tháng vừa qua, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng giao thông (+3,9%) do đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 27/06/2020 (tính riêng chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02%, tác động làm CPI chung tăng 0,37%).

Ở chiều ngược lại, có hai nhóm hàng hóa giảm giá trong tháng 7 là nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,02%) và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,18%). Điểm tích cực đáng ghi nhận là giá nhóm hàng thịt lợn (tăng mạnh trong thời gian vừa qua và là tác nhân chính gây áp lực lên lạm phát) đã giảm 2,48% trong tháng 7.

BVSC cho rằng, nguồn cung thịt lợn đang dần tăng trở lại trong khi cầu có thể sẽ suy giảm trong thời gian tới do tác động từ việc dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam sẽ là nhân tố khiến giá mặt hàng thịt lợn khó tăng mạnh trong các tháng tới. Ngay cả tại Trung Quốc thì giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng liên tục đi xuống kể từ tháng 2/2020 cho đến nay, cho thấy nước này nhiều khả năng đã kiểm soát được đà tăng giá của thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi. 

Cũng theo Báo cáo của BVSC, tình hình thiên tai tại Trung Quốc có thể sẽ khiến giá lương thực thưc phẩm tăng trở lại, nhưng, rủi ro này sẽ chỉ mang tính ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, BVSC duy trì dự báo CPI trung bình cho cả năm 2020 sẽ dao động quanh mức 3,5%.

Theo VnMedia

(Visited 17 times, 1 visits today)