Thu hút FDI còn nhiều hạn chế
Tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước dần được khôi phục. Đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng USAID tổ chức Hội nghị nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng sức mạnh, đón bắt cơ hội, tạo đà phát triển doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là: sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI; mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có hai nguyên nhân chủ yếu. Một là, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia được vào chuỗi giá trị do các doanh nghiệp này dẫn dắt là rất khó.
Hai là, do quy mô nhỏ bé nên đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất, hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả FDI. Đây là bài toán Chính phủ luôn trăn trở, làm thế nào để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI và làm sao để tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, không để tình trạng một nền kinh tế có 2 khu vực doanh nghiệp tách rời; đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, với trọng tâm là Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị.
Quá trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan gồm vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định các ưu tiên chiến lược, tạo ra các khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tìm kiếm cơ hội từ xu thế mới; vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức trung gian, các chuyên gia, viện, trường trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến liên kết giữa các doanh nghiệp.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp “lớn lên” thông qua việc cải tiến dây chuyền sản xuất, công nghệ, nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh để có tâm thế khác để tham gia vào chuỗi giá trị. Để thực hiện được quá trình này cần có sự chung tay mạnh mẽ của các bên liên quan trong việc xác định các ưu tiên chiến lược như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, tìm kiếm các cơ hội mới, nâng cao năng lực xúc tiến”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững. Các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Theo VnMedia