Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường chứng khoán luôn được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong nhóm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam của cơ quan quản lý. Sau 20 năm hình thành và phát triển, có thể nói, thị trường chứng khoán ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bởi số lượng hàng hoá ngày càng đa dạng, chất lượng hàng hoá ngày càng được cải thiện trên cả 3 thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Trong hai mươi năm hình thành và phát triển, số lượng, chủng loại hàng hoá trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã khá đa dạng và phong phú. Cấu trúc của thị trường chứng khoán hiện đã tương đối hoàn chỉnh gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro với những sản phẩm cơ bản đã phong phú hơn rất nhiều so với hai thập kỷ trước.
Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập được 01 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn lớn từ 120 tỷ đồng trở lên; 01 thị trường cổ phiếu niêm yết có quy mô vốn vừa và nhỏ từ 30 tỷ đồng trở lên; 01 thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết với vốn từ 10 tỷ đồng trở lên; 01 thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vay nợ bên cạnh thị trường của các tổ chức tín dụng; 01 thị trường Trái phiếu Chính phủ chuyên biệt, tập trung hoá hoạt động phát hành và giao dịch thứ cấp các Trái phiếu Chính phủ; 01 thị trường chứng khoán phái sinh giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư phòng ngừa và phân tán rủi ro.
Thị trường trái phiếu Việt có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2009, với việc hình thành trái phiếu Chính phủ chuyên biệt, việc đấu thầu, niêm yết giao dịch TPCP được thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Hà Nội.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 10 năm qua (2009-2019), thị trường trái phiếu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Nam Á.
Các sản phẩm trái phiếu Chính phủ (TPCP) được phát triển ngày càng đa dạng, là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho mọi loại hình nhà đầu tư. Nếu như năm 2009 trên thị trường TPCP chỉ có các sản phẩm kỳ hạn từ dưới 1 năm đến 10 năm thì nay đã có đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn hạn đến kỳ hạn 20 năm, 30 năm. Bên cạnh các sản phẩm TPCP trả lãi định kỳ còn có các TPCP không trả lãi định kỳ, trái phiếu có kỳ trả lãi linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư là các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ dừng lại ở đó, tháng 7/2019, sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai TPCP chính thức được triển khai, đem lại cho nhà đầu tư một công cụ phòng vệ rủi ro, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hỗ trợ phát triển thị trường TPCP cơ sở.
Tính đến cuối năm 2019, thị trường có 493 mã TPCP niêm yết, tương đương với giá trị niêm yết đạt 1.154 nghìn tỷ đồng, dư nợ TPCP chiếm khoảng 25,1%GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Thanh khoản thị trường TPCP ở mức 9000 tỷ đồng/phiên. Thị trường TPCP đã ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho ngân sách nhà nước, đã gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững.
Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa phát triển
Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu hình thành từ năm 2000 nhưng thực sự phát triển mạnh trong giai đoạn 2011 đến nay.
Trên thị trường sơ cấp, tổng khối lượng Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong giai đoạn 2011-2017 đạt hơn 405 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành bình quân khoảng 57.900 tỷ đồng/năm.
Trên thị trường thứ cấp, tính đến cuối năm 2019 có 23 mã Trái phiếu doanh nghiệp niêm yết với tổng giá trị giao dịch khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018.
Các Trái phiếu doanh nghiệp có các kỳ hạn từ 1 năm đến 15 năm, phổ biến là 2 năm, 3 năm, 5 năm phù hợp với chu kỳ thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp với lãi suất phát hành Trái phiếu doanh nghiệp theo một trong hình thức là thả nổi hoặc cố định. Tuy nhiên, thị trường Trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bộ Tài chính cho biết, trong thập kỷ phát triển tiếp theo của thị trường chứng khoán Việt Nam, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tập trung tăng lượng cung hàng hoá gắn với nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các loại sản phẩm trên cả 3 thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Đối với thị trường cổ phiếu, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên SGDCK; đưa vào triển khai hoạt động chào bán, phát hành cổ phiếu theo phương pháp dựng sổ (book building); tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty để nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch….
UBCKNN cũng dự kiến sẽ ra mắt thêm các sản phẩm mới trên thị trường cổ phiếu như chứng quyền mua, chứng quyền bán trên các tài sản cơ sở khác nhau; các chứng chỉ quỹ đầu tư mới, sản phẩm chứng chỉ lưu ký, các bộ chỉ số mới…
Theo VnMedia