Những bước phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam

Cơ hội giao thương - Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu chịu nhiều khó khăn và biến động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, tác động tiêu cực của sự kiện Brexit; căng thẳng thương mại Mỹ – Trung; những bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực, cũng như đại dịch cúm COVID-19…, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn không ngừng phát triển ổn định, an toàn và bền vững sau 20 năm hình thành và đi vào hoạt động, trở thành một kênh đầu tư hiệu quả.

Hai mươi năm trước, phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 28/7/2000 với hai mã cổ phiếu là REE và SAM, đánh dấu một mốc lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trải qua 20 năm phát triển, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán là 1.647 công ty, với giá trị  niêm yết/đăng ký giao dịch là 1428 nghìn tỷ đồng.

Nếu như năm 2000, hầu hết vốn của các doanh nghiệp (DN) được vay từ hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng là khoảng 40% GDP, hoạt động huy động vốn trên TTCK hầu như chưa xuất hiện. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán ban đầu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ so với cung tín dụng (năm 2010 chỉ đạt 11%) nhưng sau đó đã có sự cải thiện nhanh chóng nhờ các chính sách phát triển thị trường chứng khoán.

 

Mặc dù sau đó, giai đoạn 2008 – 2009, các chỉ số thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên số lượng Công ty nhiêm yết (CTNY) vẫn tăng đều đặn hàng năm. Đặc biệt sau khi, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (SGDCK) khai trương vận hành thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCOM) (ngày 24/6/2009), số lượng CTNY, đăng ký giao dịch trên SGDCK tăng lên rất nhanh. Đến nay, con số đã là hơn một nghìn doanh nghiệp. 

Tính đến cuối năm 2019, TTCK Việt Nam có 1.622 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch; trong đó có 750 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên cả 2 SGDCK và 872 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Upcom, vốn hóa trên TTCK Việt Nam đạt khoảng 4.384 nghìn tỷ đồng, tương đương 72,6% GDP năm 2019.

Có thể nói, qua 20 năm, dù diễn biến TTCK có lúc thăng, lúc trầm nhưng ngành Chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng chú ý, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính, tiền tệ lành mạnh, ổn định, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần bảo vệ và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.

Tại cuộc trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Cổng TTĐT Bộ Tài chính mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của nền kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính và nền kinh tế thị trường.

Trong số hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, nhiều doanh nghiệp đã huy động được nguồn vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo dựng hình ảnh, uy tín trên thương trường. Chính phủ cũng huy động được nguồn vốn lớn thông qua việc phát hành các loại trái phiếu cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động của thị trường chứng khoán đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và phát triển kinh tế của đất nước theo cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng, trong đó thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước góp phần tái cấu trúc hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam thành một thị trường chứng khoán hiện đại với đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ ngang tầm với khu vực và thế giới, phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

“Khoảng thời gian sắp tới là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu, bền vững và phát huy tối đa vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Với Luật Chứng khoán mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2021, việc thành lập Sở GDCK Việt Nam và hệ thống công nghệ thông tin mới hiện đại là những điều kiện nền tảng đã được chuẩn bị tốt cho một giai đoạn mới phát triển về chất, đa dạng về sản phẩm và trở thành một trong những trung tâm tài chính của khu vực”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay.

Theo VnMedia

(Visited 41 times, 1 visits today)