Ngày 10/7/2020, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới”. Tại đây, những ảnh hưởng liên quan đến kinh tế trước đại dịch Covid-19 được nhiều chuyên gia phân tích.
Sức chống chịu của kinh tế Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, do vậy, chịu nhiều hệ lụy cả trực tiếp và gián tiếp từ đại dịch Covid-19. Nền kinh tế thể hiện ở suy giảm tăng trưởng, xuất khẩu tăng chậm dần, hoạt động của doanh nghiệp, tình hình lao động – việc làm.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kích thích phục hồi kinh tế. Dư địa điều hành tài khóa và tiền tệ vẫn còn để có thể ứng phó với các kịch bản kinh tế trong thời gian tới. “So với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, thì kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều”, Viện trưởng CIEM nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nhiều ngành, hoạt động kinh tế (như du lịch, giao thông vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính…). Nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, với những đánh giá ở mức độ rất nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn nghiêm trọng.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương, các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân có thể do chính phủ nhiều nước (kể cả Việt Nam) đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ, hoặc do đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ.
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020
Cũng tại Hội thảo, Báo cáo của CIEM do ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM trình bày đã đưa ra 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo kịch bản 1, và 2,6% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản 1 và giảm 1,9% trong kịch bản 2 (so với năm 2019). Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.
Bên cạnh việc đưa ra những dự báo tăng trưởng, báo cáo của CIEM cũng tập trung phân tích những diễn biến của đại dịch COVID-19, những phản ứng chính sách của Việt Nam nhằm ngăn chặn và ứng phó hiệu quả với hệ lụy của đại dịch. Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với công tác phòng chống dịch, đặc biệt trên phương diện điều hành gắn với “mục tiêu kép”.
Tuy được đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, nhưng báo cáo của CIEM vẫn đưa ra khuyến cáo rằng, Việt Nam cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, và bảo đảm an sinh xã hội.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như kinh tế thế giới còn rất bất định, đặc biệt là khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19; việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ,… ở một số thị trường và mức độ thích ứng của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo VnMedia