Nhiều mặt hàng lợi thế có lợi khi EVFTA được thực thi
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vốn đã và đang tiếp tục có những biến đổi phức tạp, đặc biệt là từ đầu năm 2020 lại phải tiếp tục hứng chịu thêm những khó khăn mới, diễn biến rất nhanh và chưa từng có tiền lệ do Đại dịch Covid-19 toàn cầu mang lại, kinh tế Việt Nam nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp.
Bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), EVIPA là những hiệp định thương mại – đầu tư thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia.
Hơn nữa các Hiệp định được ký kết và tiến tới có hiệu lực trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam.
Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả trong một thập kỷ vừa qua, từ năm 2009 đến năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).
Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, các Hiệp định cũng có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau.
Theo đó, đối với ngành thủy sản, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn trong cả ngắn và dài hạn (chủ động được nguồn nguyên liệu, con giống, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản) và hàng rào phi thuế quan khá cao từ EU là những thách thức rất lớn. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020 – 2030, trong khi nhập khẩu từ EU có thể tăng cao hơn (trong khoảng 2,8% – 5%).
Trong khi đó, đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.
Ngành da giầy, Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Riêng đối với ngành điện tử, máy vi tính, theo biểu thuế hiện hành của EU thì thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy tính điện tử (máy vi tính), sản phẩm điện tử (hàng tiêu dùng cuối cùng) hầu hết có thuế suất bằng 0%, hoặc thuế suất dưới 10% nên khi EVFTA có hiệu lực sẽ tác động không đáng kể tới xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy vậy, EVFTA và EVIPA cũng là động lực để thu hút FDI từ EU và các nước khác vào Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam tập trung vào phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đối với ngành máy móc, phụ tùng, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là khu vưc có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này. Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực hơn, tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.
Sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh những lợi thế ngành hàng, Hiệp định EVFTA cũng tạo năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tác động lan tỏa về năng suất, công nghệ khi thu hút đầu tư từ EU.
“Việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam. Điều này sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước”, Bộ Công Thương cho hay.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Theo VnMedia