Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng trước nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 đạt 37,9 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với 5 tháng năm 2019.

Kuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD. Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt 66,06 tỷ USD) do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm, kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%. Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020.

Ảnh minh họa
Trong 5 tháng đầu năm, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 17,98 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Một nhóm hàng chủ lực khác cũng sụt giảm như dệt may với mức giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10,45 tỷ USD…

Cũng theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%. Sau là thị trường EU; thị trường ASEAN; Nhật Bản; Hàn Quốc.

Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc

Liên quan đến thị trường nhập khẩu, số liệu Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 41,9 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt 55,54 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 5 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) tăng 7,7% so với tháng 4/2020, ước đạt 17,32 tỷ USD nhưng giảm 14,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 86,18 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 3,3% so với cùng kỳ 2019, với sự sụt giảm ở các mặt hàng chính như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; vải các loại; sắt thép các loại; chất dẻo nguyên liệu…

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát giảm 16,9% so với 5 tháng năm 2019, đạt 6,09 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô giảm 17,4%, hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 3,3%; đặc biệt, rau quả giảm mạnh 42,1%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 41,8%…

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 28,8 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 17,27 tỷ USD, giảm 9,5%; ASEAN đạt 11,79 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 8,08 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2019. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ hay EU cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 6,06 tỷ USD, tăng 6,4%; EU đạt 5,77 tỷ USD, tăng 5,8%…

Theo VnMedia

(Visited 11 times, 1 visits today)