Hoạt động thương mại Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19

Cơ hội giao thương - Sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I/2020, hoạt động thương mại của Việt Nam đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Theo đó, tháng 4 vừa qua, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 3,04 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,17 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 7,13 tỷ USD. 

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I/2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 4/2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 bởi từ giữa tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản. 

Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm 

Theo Bộ Công Thương, do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng Ba, trong đó Công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm mạnh 18,4% so với tháng 3/2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3/2020. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất, giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 16,4 tỷ USD. Sự sụt giảm được thể hiện rõ ở các ngành hàng chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10,5%; điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt và may mặc giảm 18,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,3%; giày dép các loại giảm 6,6%… Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6% so với tháng 3/2020, ước đạt 2,02 tỷ USD. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm trong 4 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc – thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là cao su; rau quả; thủy sản…

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong tháng 4 với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2019; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%; Hàn Quốc giảm 13,7%; EU giảm 28,6%; Hoa Kỳ giảm 24,1%… 

Tính chung 4 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,25 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc; Thị trường EU; Thị trường ASEAN; Nhật Bản; Hàn Quốc…

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 

Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,7%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 33,58 tỷ USD, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt 46,32 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng hóa cần nhập khẩu chiếm 88,03% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu với kim ngạch đạt 70,33 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đạt kim ngạch cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2020, đạt 17,75 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 12%; sản phẩm hóa chất tăng 20,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 14,6%.

Trái lại, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ ngành may mặc và một số ngành khác lại giảm đáng kể trong 4 tháng đầu năm nay như vải các loại giảm 10,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 3,2%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 16,1%; xăng dầu các loại giảm 40,5%.

Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,73 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc; Thị trường ASEAN; Nhật Bản; Hoa Kỳ; Thị trường EU…

Theo VnMedia

(Visited 18 times, 1 visits today)