Kim ngạch xuất khẩu giảm do nghỉ lễ Tết nguyên đán
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2020 đã tăng 1,23%. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Ngay từ đầu năm mới giá xăng dầu trong nước tuy đã được điều chỉnh giảm nhẹ vào ngày 15/1, nhưng chỉ số giá nhóm giao thông vẫn tăng 0,69% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do mặt bằng giá cả thị trường chịu tác động bởi nhu cầu mua sắm hàng hóa chuẩn bị phục vụ sản xuất, chế biến cho tết Nguyên Đán và đặc biệt giá thực phẩm đã tăng mạnh (tăng 2,6% so vơi tháng trước) do hậu quả của dịch bệnh từ cuối năm trước gây ra thiếu nguồn cung.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong tháng 1/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 5,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và giảm 6,4 tỷ USD so với tháng 12/2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đạt tương ứng 19 tỷ USD và 18,11 tỷ USD. Như vậy, tính trong tháng 1, cán cân thương mại hàng hoá nhập xuất siêu khoảng 0,89 tỷ USD.
Đối với xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,87 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu là do tháng 1 trùng với với dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 1/2020, một số mặt hàng xuất khẩu đã đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước là điện thoại và linh kiện; hàng dệt, may; máy vi tính, sản phẩm linh kiện và điện tử, ô tô nguyên chiếc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng tăng trưởng tốt, nhiều mặt hàng lại chịu sự sụt giảm kim ngạch như chè, hạt tiêu, sắn, dầu thô do khó khăn chung của lĩnh vực nông thuỷ sản và những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Về thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 tại Việt Nam.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, trong tháng 1/2020, Việt Nam ước nhập khoảng 18,1 tỷ USD, giảm 15,93% so với tháng 12/2019 và 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu trong tháng 1/2020 giảm mạnh do kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài trong 7 ngày. Trong tháng 1, một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại; và vải các loại vẫn là những mặt hàng chủ lực, đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế 2020: Cơ hội song hành với thách thức
Đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế tăng năm 2020, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Thị trường lao động ngày càng trở nên năng động hơn, nhiều quốc gia thay đổi chính sách thu hút lao động phổ thông và mở rộng cơ hội tiếp nhận lao động trình độ cao, hứa hẹn triển vọng tạo việc làm khả quan cho người lao động trong năm 2020.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị. Tăng trường kinh tế của Mỹ và Trung Quốc có xu hướng chậm lại sẽ phần nào tác động tới xuất khẩu và việc làm của Việt Nam. Giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2020.
Xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia cho hay, tình hình thu ngân sách 15 ngày đầu tháng 1 tuy có xu hướng tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt đối với các khoản thu từ doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong đó những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước vẫn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thu ngân sách năm 2020. Nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ. Ví dụ như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng”. Trong khi đó, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc, nợ công cao, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.
Theo VnMedia