Không có hiện tượng tăng giá bất thường, mất cân đối cung cầu hàng hóa

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa Tết Canh Tý 2020 khá sôi động, nhất là trong tuần từ sau ngày 23 tháng Chạp, sức mua đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết năm 2019. Thị trường nhìn chung tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.

Thị trường hàng hóa Tết Canh Tý 2020 khá sôi động

Bộ Công Thương cho biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngay từ tháng 10 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo đó, thị trường hàng hóa Tết Canh Tý 2020 khá sôi động, nhất là trong tuần từ sau ngày 23 tháng Chạp, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2019.

Cũng theo Bộ Công Thương, mức sống tăng, nhu cầu mua sắm hàng hóa chất lượng bảo đảm, an toàn thực phẩm tăng nên tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân tập trung vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm an toàn… ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, hầu hết các hệ thống siêu thị thuộc doanh nghiệp phân phối lớn tham gia Chương trình Bình ổn thị trường tại các địa phương nên giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn.

Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân… cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 20 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống và các siêu thị. Bên cạnh đó, các hình thức mua bán hàng qua điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà cũng rất phát triển, đáp ứng khá tốt nhu cầu đa dạng của người dân.

“Mặc dù giai đoạn trước Tết, do thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn tăng cao gây bất ổn thị trường nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc chủ động và tích cực của các Bộ, ngành nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đã nhanh chóng bình ổn giá thịt lợn. Về cơ bản, thị trường Tết năm nay không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân”, Bộ Công Thương cho hay.

Thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Canh Tý 2020 diễn biến thuận lợi

Về thị trường thực phẩm, Bộ Công Thương cho biết, giá các loại gạo trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý nhìn chung ổn định, loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Sén Cù Lào Cai, nếp cái hoa vàng… tăng khoảng 1.000 – 2.000 đ/kg, theo quy luật thị trường, tương đương 5 – 7% so với tháng 12/2019 và tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương đã tiến hành xuống giống vụ Đông Xuân. Giá thóc, gạo nguyên liệu có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ do nhu cầu thu mua xuất khẩu chậm. Trong năm 2020, do tình hình xâm nhập mặn tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến khá phức tạp và phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả tiếp tục được chuyển sang mục đích khác nên nguồn cung có thể bị giảm sút, lượng giảm này có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, tuy nhiên, vẫn đảm bảo cung – cầu trong nước.

Dự báo những ngày sau Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết, do tồn kho tại các Tổng công ty, doanh nghiệp và người dân còn khá nhiều nên giá thóc, gạo nguyên liệu nội địa nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ. Các loại gạo nếp và gạo tẻ chất lượng cao tiếp tục ổn định.

Thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định đã hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Canh Tý 2020 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán được đảm bảo, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Đối với mặt hàng thịt lợn (mặt hàng có biến động nhất trong năm 2019), mặc dù giá đã có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2019, tuy nhiên, sang đầu năm 2020, giá thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại, chỉ tăng nhẹ trong những ngày sát Tết nhưng so với cùng kỳ năm trước thì giá vẫn ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm nhẹ. Giá các sản phẩm thịt bò và thịt gà ổn định trong suốt cả năm 2019 và bắt đầu tăng nhẹ vào đầu tháng 1 năm 2020 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn tăng.

Trong khi đó, các mặt hàng nông sản thực phẩm khô cũng ổn định. Giá thịt lợn tăng nhẹ khoảng 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2019 nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 55 – 77%. Giá thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tăng khoảng 10 – 15% so với các tháng thường trước Tết nhưng chỉ tăng nhẹ hoặc tương đương với Tết Kỷ Hợi 2019.

Theo VnMedia

(Visited 11 times, 1 visits today)