5 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam: Than đá, dầu thô, ô tô tăng nhập

Cơ hội giao thương - Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, ước tính 12 tháng của 2019, trong số 4 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, than đá, dầu thô và ô tô là 3 mặt hàng có lượng nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 12 năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 44,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước.Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 21,8 tỷ USD, giảm 4,4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 6,8%.

Với kết quả ước tính trên thì trong năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt gần 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 12/2019 ước tính thâm hụt 1 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong  năm 2019, cả nước xuất siêu 9,94 tỷ USD.

Mặt hàng dầu thô tăng mạnh xuất khẩu nhưng giảm giá trị

Điểm mặt 05 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cho thấy trong tháng 12/2019, có 02 mặt hàng giảm gồm: Than đá, ước đạt 1.500 nghìn tấn, giảm 16,8% so với tháng trước và giá trị cũng giảm tới 21,2% (đạt giá trị khoảng 20 triệu USD). Lượng xuất khẩu trong 12 tháng/2019 ước đạt 1.199 nghìn tấn, trị giá ước đạt 176 triệu USD, giảm 49,8% về lượng và giảm 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng clanhke và xi măng trong tháng 12/2019 cũng giảm 1% so với tháng trước, ước đạt 3.600 nghìn tấn; giá trị đạt 140 triệu USD, giảm 3,5%.Tuy nhiên tính chung cả 12 tháng/2019, mặt hàng này ước đạt 33.955 nghìn tấn, trị giá ước đạt 1.395 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng quặng và khoáng sản khác: xuất khẩu trong tháng 12/2019 ước tính đạt 250 nghìn tấn, tăng 105,3% so với tháng trước và trị giá là 12 triệu USD, giảm 2,5%.  Lượng xuất khẩu trong 12 tháng/2019 ước đạt 2.891 nghìn tấn, trị giá ước đạt  214 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng dầu thô nếu tính riêng tháng 12/2019 thì lượng xuất khẩu tăng vọt 120% so với tháng trước và đạt giá trị là 180 triệu USD (tăng 59,9%).  Tuy nhiên, tính chung trong 12 tháng/2019, lượng dầu thô xuất khẩu ước đạt 4.104 nghìn tấn, trị giá ước đạt 2.025 triệu USD, tăng 3,6% về lượng nhưng lại giảm 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Gỗ và sản phẩm gỗ có trị giá xuất khẩu trong tháng 12/2019 ước tính là 1.000  triệu USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 12 tháng/2019 ước đạt 10.526 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu than đá, dầu thô, ô tô trong năm 2019 tăng mạnh. Ảnh minh họa

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Than đá, dầu thô, ô tô tăng nhập

 

Trong số 4 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, than đá và dầu thô là 3 mặt hàng có lượng nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mặt hàng than đá: nhập khẩu trong tháng 12/2019 ước tính là 4.000 nghìn tấn, tăng 30,6% so với tháng trước và trị giá là 314 triệu USD, tăng 32,1%. Như vậy, lượng nhập khẩu trong 12 tháng/2019 ước tính đạt 43,5 triệu tấn, trị giá ước đạt 3,79 tỷ USD, tăng 90,7% về lượng và tăng 48,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Riêng mặt hàng ôtô nguyên chiếc các loại, ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 12/2019 đạt 8 nghìn chiếc, trị giá đạt 140 triệu USD, giảm 32 % về lượng và giảm 47,5% về trị giá so với tháng trước. Tuy nhiên, mặt hàng này nếu ước tính đến hết tháng 12/2019, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 142 nghìn chiếc, trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 71% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Dầu thô: nhập khẩu trong tháng 12/2019 ước tính là 600 nghìn tấn, trị giá là 273 triệu USD tương đương so với tháng trước. Như vậy, lượng nhập khẩu trong 12 tháng/2019 ước tính đạt 7,68 triệu tấn, trị giá ước đạt 3,62 tỷ USD, tăng 48,2% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng xăng dầu các loại giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nhập khẩu trong tháng 12/2019 ước tính là 900 nghìn tấn, trị giá là 526 triệu USD tương đương so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 12 tháng/2019 ước tính đạt 9,76 triệu tấn, trị giá ước đạt 5.929 tỷ USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2019. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2019, Bộ Công Thương đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các Bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại. Tính đến nay, nước ta Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.

Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ,… Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. 

Theo Bộ Công Thương, kết quả ban đầu thông qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico.

Nhận định về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020, Bộ Công Thương cho rằng sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức. Bộ Công Thương sẽ tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.

Theo VnMedia

(Visited 9 times, 1 visits today)