1. Tăng lương tối thiểu vùng
Từ 01/01/2020, lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Cụ thể, tùy theo từng vùng mà mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2020 và mức tăng tương ứng so với quy định hiện hành là:
– 4.420.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng) đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn vùng I;
– 3.920.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng) đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng II;
– 3.430.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng) đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng III;
– 3.070.000 đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng) đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng IV.
Bảng lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ 1/1/2020
2. Hướng dẫn mới về phân loại phân bón
Nghị định 84/2019/NĐ-CP phân loại phân bón thành các nhóm sau:
– Nhóm phân bón hóa học (còn gọi là phân bón vô cơ);
– Nhóm phân bón hữu cơ;
– Nhóm phân bón sinh học;
– Phân bón rễ là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón hóa học, hữu cơ, sinh học được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ hoặc có tác dụng cải tạo đất;
– Phân bón lá là loại phân bón thuộc một trong các nhóm phân bón hóa học, hữu cơ, sinh học được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân, lá.
Nghị định 108/2017/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 84/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Nghị định 84/2019/NĐ-CP phân loại phân bón có hiệu lực từ 1/1/2020
3. Các trường hợp miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm trước thông quan
Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Theo đó, ngoài các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các trường hợp dưới đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:
– Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
– Hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;
– Hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế;
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
Quy định mới về kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan có hiệu lực từ 1/1/2020
4. Sửa đổi điều kiện về vốn đối với DN kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Nghị định 89/2019/NĐ-CP thì nhà đầu tư nước ngoài được phép chiếm tối đa 34% vốn điều lệ của DN kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.
(Theo quy định hiện hành tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP thì tỷ lệ nêu trên là 30%).
Bên cạnh đó, DN kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
– Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất;
– Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Quy định mới về kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài
5. Nghị định 83/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai
Quy định mới về thành lập và Quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai
Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định Quỹ phòng, chống thiên tai chỉ chi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai tu sửa khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/1 công trình. Tuy nhiên, theo quy định mới, Quỹ phòng, chống thiên tai chi hỗ trợ tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa lên đến 03 tỷ đồng/1 công trình.
6. Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Quy định mới về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Nghị định 73/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN; Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.
Nghị định quy định các dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định về quản lý chi phí, quản lý chất lượng tại Mục 2 Chương II của Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
Theo Tạp chí Công Thương