Những cán bộ cao cấp của ngành giao thông bị kỷ luật vì cổ phần hóa
Kể từ khi bắt đầu thực hiện công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến nay công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn còn chậm và không thể không nhắc đến những sai phạm, tồn đọng.
Trong ngành giao thông, một trong những nơi đi đầu về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thậm chí, người đứng đầu ngành này cũng bị kết luận có sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Điều đáng nói, trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn 2011- 2016, Bộ GTVT luôn được đánh giá là đơn vị đi đầu trong tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2011 – 2016, Bộ GTVT phải cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên. Tuy nhiên Bộ GTVT đã thực hiện vượt xa so với kế hoạch đề ra khi cổ phần hóa được 137 doanh nghiệp, trong đó có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty…
Từ ngày 02 đến 04/7/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 37. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo các đồng chí: Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trần Ngọc Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách hai đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đồng chí Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011 – 2016 và đồng chí Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.
Trước đó, từ ngày 24 đến 26/4/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 35. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)
Cụ thể, Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ GTVT đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT; – Nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và Bộ GTVT. Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; Các Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng gồm: Đồng chí Nguyễn Hồng Trường, đồng chí Nguyễn Văn Công, đồng chí Nguyễn Ngọc Đông và đồng chí Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Bên cạnh đó, UBKT Trung ương cũng khẳng định đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT; Đồng chí Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Vi phạm của BCSĐ Bộ GTVT và các đồng chí nêu trên đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ. UBKT Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.
Xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và một số cá nhân về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 35 của UBKT Trung ương
Những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hóa ngành giao thông
Sai phạm bán 75% vốn cảng Quy Nhơn
Theo kết luận số 1566/KL-TTCP ngày 17.9.2018 của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, theo phương thức thoả thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép, là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines thu hồi lại 75,01% cổ phần này, đồng thời huỷ bỏ 2 văn bản hành chính bán vốn sai phạm.
Đó là các văn bản: 16937/BGTVT-QLDN ngày 27.12.2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20.5.2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần vốn sở hữu nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành (Hà Nội), theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Tổng vốn nhà nước thu hồi trong cổ phần hoá cảng Quy Nhơn (sau 3 lần bán đấu giá) chỉ 404 tỉ đồng, được cho là quá “bèo” so với giá trị thực tế của cảng này.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm sau kết luận Thanh tra, quá trình thu hồi lại hơn 75% cổ phần bán sai phạm tại cảng Quy Nhơn của Vinalines chưa có nhiều tiến triển, do vướng mắc liên quan đến việc định giá tài sản.
Tổng Công ty Vận tải thuỷ bị bán giá bằng … một căn nhà
Quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) thuộc Bộ GTVT cũng từng bị tố cáo có nhiều khuất tất. Cụ thể, theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ Vivaso trước khi tiến hành cổ phần hoá là 327 tỉ đồng. Tháng 3.2014, Bộ GTVT đã yêu cầu Vivaso đàm phán bán cho nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường theo đề nghị của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường.
Hiện, Công ty Vạn Cường nắm vai trò chi phối, chiếm hơn 77% cổ phần Vivaso, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vivaso.
Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14 tháng 5.2018, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại quá trình cổ phần hoá Vivaso. Lý do, Tổng Công ty này có 10 doanh nghiệp với hàng trăm đoàn tàu đang hoạt động nhưng chỉ được bán với giá 327 tỉ đồng, tương đương một căn nhà phố cổ Hà Nội. Sau cổ phần hoá, Vivaso không có hoạt động nào về đầu tư vận tải thuỷ, mà chỉ cho thuê trụ sở, kho bãi,… gây bức xúc và khiếu nại kéo dài của cán bộ nhân viên.
Cổ phần hóa tại ACV
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng kiến nghị xin được cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong năm 2014 để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án.
Dự kiến, sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của ACV. Với tổng tài sản của công ty mẹ tính đến cuối năm 2013 lên đến trên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ và doanh thu khoảng 8.400 tỷ đồng.
Sau đó, đến ngày 1/4/2016, ACV đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Bất chấp việc cổ phần hoá đã bị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư phản biện những lo ngại về an ninh quốc phòng cũng như quản lý ngân sách nhà nước khi cổ phần hóa.
Mặt khác, trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) đã được loại ra khỏi giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hoá. Đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/4/2016, tài sản kết cấu hạ tầng khu bay (trừ sân đỗ) đã đưa vào giá trị khi cổ phần hóa ACV trong hệ thống tài sản hạ tầng hàng không được bàn giao cho Bộ GTVT.
Ngày 22/1/2019, Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra số 72/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV). Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV, kể cả những dấu hiệu ACV đã xóa nợ nhiều tỷ đồng khi chưa xác định được nguyên nhân…
Nhiều doanh nghiệp thoái vốn ngoài sàn
Ngoài Cảng Quy Nhơn, không ít doanh nghiệp lớn của ngành GTVT cổ phần hóa bị thoái vốn khi chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Cienco 5, Tổng Cty Thăng Long, Cienco 1, Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT, Tổng Cty Xây dựng đường thủy, Tổng Cty Vận tải đường thủy, Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (Tedi)… Ðiều này khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp không được cọ xát, thực sự theo giá trị thị trường, dẫn đến nguy cơ mất vốn hoặc vốn nhà nước bị bán rẻ khi tiến hành thoái vốn.
Theo Media