Ngày 25/12, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường lần thứ 2. Một trong những nội dung chính của Diễn đàn là tập trung làm rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động trong việc xử lý, giảm thiểu rác thải nhựa; thực trạng vấn đề xử lý rác thải nhựa, chất thải rắn tại các doanh nghiệp; Công tác giám sát bảo vệ môi trường của người lao động trong doanh nghiệp.
Diễn đàn cũng là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm mô hình hay của các tổ chức công đoàn, người lao động trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không ai có thể nắm chắc hoạt động của doanh nghiệp hơn người lao động. Bởi người lao động chính là người vận hành những dây chuyền, bộ phận xử lý chất thải, chịu ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm môi trường xung quanh do đó. Họ sẽ nắm và phát hiện được vi phạm môi trường, những vấn đề môi trường của doanh nghiệp. “Vai trò giám sát của người lao động với môi trường các cơ sở kinh doanh là rất cần thiết”, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Nhiều hệ lụy từ ô nhiễm môi trường
Nhiều hệ lụy từ ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp là điều quan trọng nhất bởi nó sẽ giúp họ mạnh dạn đầu tư để thay đổi công nghệ, để phân loại rác thải và để tái chế chất thải. “Đầu tư là phải có tiền, ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà doanh nghiệp thì điều đầu tiên họ phải nghĩ đến doanh thu và lợi nhuận. Do vậy, họ phải tiệm cận với tư duy phát triển bền vững; phải nhìn thấy việc đầu tư thay đổi công nghệ bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải không phải là khẩu hiệu, mà đây là đầu tư cho phát triển bền vững” – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường nói. Chia vẻ về vấn đề truyền thông, ông Dũng cho rằng, thông điệp cần truyền đến các doanh nghiệp là “Đầu tư cho bảo vệ môi trường chính là đầu tư cho doanh nghiệp”.
Nhưng theo ông Dũng, để doanh nghiệp hiểu được thông điệp đó thì không hề đơn giản. Do đó, điều thiết thực là chỉ ra cho doanh nghiệp thấy rằng, để thâm nhập được vào các thị trường khó tính, nơi rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường thì cần phải quan tâm đến những tiêu chí như: môi trường lao động; nguồn gốc của nguyên vật liệu, áp dụng công nghệ, tái chế và rác thải… “Hãy chỉ cho họ thấy cần phải bỏ tư duy phát triển ngắn hạn để tiệm cận dến phát triển dài hạn, hướng đến phát triển bền vững” – ông Dũng nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường đưa ra ví dụ về việc truyền thông đến hiệp hội dệt may để đưa ra một hướng dẫn về dệt may bền vững và giảm sử dụng hóa chất trong ngành này. “Hướng dẫn này được các doanh nghiệp đồng thuận và tự nguyện tham gia.
Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Tiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn có tình trạng môi trường luôn luôn đáng báo động. “Chưa bao giờ môi trường ở Việt Nam lại đáng báo động như thế này. Chúng ta đang trả giá quá đắt. Tất cả các dòng sông xung quanh Hà Nội đều ô nhiễm, nguồn nước cũng ô nhiễm, không khí cũng ô nhiễm. Nếu cứ tình hình như thế này thì chắc sẽ có doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất không khí từ vùng trong lành đưa về bán ở Hà Nội” – ông Tiên nói.
“30 năm đổi mới chúng ta thu hoạch được rất nhiều, tuy nhiên, 96 triệu dân Việt Nam đang phải trả giá do sự chưa đối xử một cách đúng mức với môi trường” – ông Tiên tiếp tục nhấn mạnh và chia sẻ thêm: “Như chúng tôi sắp về hưu rồi chắc là về quê thôi, chứ không thể chấp nhận được môi trường như thế này”.
Đáng chú ý, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, điều kiện làm việc của công nhân lao động nhiều nơi chưa bảo đảm, từ bữa ăn không đủ dinh dưỡng, cường độ lao động rất cao cho đến môi trường làm việc không an toàn (bụi, ánh sáng, tiếng ồn…).
“Sức khỏe con người vẫn là giá trị số 1. Nếu chúng ta không hành động quyết liệt, không ra tay thì quá muộn. Các thế hệ con người Việt Nam sẽ phải trả giá” – ông Tiên nói.
Theo VnMedia