Theo lĩnh vực và đối tác
Có 804 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 43,3%), tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ); 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 12,5%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ); 1.855 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 55%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,61 tỷ USD (giảm 54,3% so với cùng kỳ).
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Theo đối tác đầu tư, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng lên so với cùng kỳ.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,05 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội,…
Tính lũy kế đến ngày 20/6/2021, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng mạnh. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt trên 116 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ, chiếm 74,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 115,3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt trên 102,6 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ và chiếm 64,9% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực ĐTNN xuất siêu 13,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 12,7 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 14,9 tỷ USD.
5 dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2021
(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Xinh-ga-po), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp GCNĐKĐT ngày 19/3/2021).
(2) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp GCNĐKĐT ngày 22/01/2021).
(3) Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 04/02/2021).
(4) Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021).
(5) Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh (GCNĐKĐT ngày 29/3/2021).
Tổng cộng 5 dự án này 6,26 tỷ USD, chiếm 41% tổng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm (tính đến 20/6).
Theo Tạp chí Công Thương